Bài thuốc chữa bệnh - Banner
HOME MENU Bài thuốc chữa bệnh - Tìm kiếm

Chế độ ăn giúp trẻ phát triển não bộ

Sự phát triển trí thông minh ở trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố: chế độ dinh dưỡng, di truyền (do gene) và sự rèn luyện, học tập, môi trường sống.

Bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm là một trong những cách thiết thực nhất giúp trẻ phát triển thông minh, khỏe mạnh, góp phần mang lại sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Chế độ dinh dưỡng thông minh đáp ứng đầy đủ các dưỡng chất cơ bản như bột đường, đạm, béo, các loại vitamin và khoáng chất, chất xơ.

Sữa mẹ: Nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ được chứng minh là nguồn dinh dưỡng quí giá không gì có thể thay thế vì chứa đầy đủ các chất cần thiết, mang lại những lợi ích tối đa cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ không chỉ tăng sức đề kháng, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn tăng cả trí tuệ của trẻ. Các nhà khoa học Đan Mạch khẳng định rằng, sữa mẹ giúp bé vừa khỏe mạnh hơn, vừa thông minh hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa bé được bú mẹ trong chín tháng đầu đời sẽ thông minh hơn, so với bé không được bú mẹ hoặc bú mẹ trong vòng một tháng hay ít hơn.

Protein - Acid amin: Protein (chất đạm) là vật liệu xây dựng nên các tế bào mô, cơ quan của cơ thể, cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho sự hình thành các dịch tiêu hóa, các nội tiết, các men và các vitamin. Đối với não, Protein là chất kiểm soát sự hưng phấn cũng như là quá trình kiểm soát của các tế bào não. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc hoạt động của não như: trí nhớ, ngôn ngữ, suy nghĩ, vận động, tham gia vào quá trình chuyển hóa của cơ thể, tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh...

Đơn vị của protein là các acid amin. Có rất nhiều loại axit amin khác nhau, trong đó có 18 loại axit amin cần thiết nhưng cơ thể lại không thể tự tổng hợp được mà phải dựa vào nguồn thực phẩm bổ sung: thịt, cá, trứng, sữa, đậu… . Trong số này, có 8 loại axit amin đặc biệt cần chú ý là phenylalanine, lysine, leucine, isoleucine, threonine, valine, tryptophan, methionine.

Tuy nhiên, ăn nhiều thịt gây phản tác dụng. Nếu bé chỉ ăn thịt sẽ làm cho dịch thể trong cơ thể nghiêng về tính axit. Axit có nhiều trong não khiến não phản ứng chậm chạp.

Tryptophan là tiền chất của hai hormon melatonin và serotonin. Melatonin điều hoà sự đồng bộ của giấc ngủ giúp tái bảo dưỡng tếbào não sau thời gian hoạt động. Bé 3 tuổi ngủ 13 giờ, 4 tuổi ngủ 12 giờ, 5-6 tuổi ngủ 10 giờ,mỗi ngày. Serotonin kiểm soát sự tăng trưởng của tế bào thần kinh đệm, sợi trục, đuôi gai, khớp thần kinh (synapse). Nhu cầu tryptophan của bé 3-6 tuổi là 12.5 mg/kg/ngày. Tryptophan có nhiều trong thịt, cá (300 mg/100g), trứng (140mg/cái), sữa (45mg/100ml), mè (500mg/100g)…

Taurine: Taurine là acid amin. Taurine rất cần trong giai đoạn não và hệ thần kinh bộc phát từ khi còn là phôi cho đến hết tuổi lên 3. Động vật thiếu taurine có thể bị mù. Ở người, mắt bắt đầu có tổn thương nhưng bổ sung taurine thì trở lại bình thường.

Glucose: Glucose cung cấp năng lượng cho các hoạt động của não, kích thích tăng cường trí nhớ và thúc đẩy quá trình tư duy. Đường glucose nên được cung cấp từ cơm, cháo, bún, mì, khoai, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây… Hạn chế các loại đường tinh vốn được hấp thu nhanh vào máu có trong nước ngọt, bánh kẹo, thức uống có đường… Các loại đường này sẽ làm cho não ở trong tình trạng mệt mỏi quá sức, dẫn đến suy nhược thần kinh hoặc là bị ức chế thần kinh.

Chất béo: bao gồm cả chất béo no, béo không no, cholesterol… trong mỡ cá, dầu thực vật, mỡ heo… là nguồn năng lượng thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của hệ thần kinh, tham gia vào cấu trúc của màng tế bào thần kinh.

Những năm đầu đời trẻ có thể được cung cấp chất béo đầy đủ từ nguồn sữa mẹ. Sau 1 tuổi, bé cần được uống sữa bò để bổ sung các chất béo và protein quan trọng khác.

Chất béo cần thiết cho não là omega 3 và omega 6 có nhiều trong

Omega-3 và Omega-6: là những a xít béo không bão hòa, có nhiều trong các loại cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá basa…, hạt mè, hạt hướng dương, hạt bí đỏ….

Chất phốt pho và a xít béo trong những thức ăn này cần thiết cho hoạt động có hiệu quả của bộ não. Chúng góp phần làm nhẹ quá trình chuyển những tín hiệu thần kinh giữa các nơron não bộ, và cần thiết cho việc hình thành tế bào thần kinh. Nhờ đó, sự chú ý, trí nhớ, khả năng tập trung của bé dần phát triển hơn.

DHA,là một acid béo không no chuỗi dài, cùng với arachidonic acid chiếm 45% các acid béo trong não. DHA cần cho sự phát triển nhận thức và thị lực của bé. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy nếu trẻ được bổ sung DHA với hàm lượng đạt mức khuyến cáo, thị lực lẫn trí óc sẽ nhanh nhạy, làm tăng chỉ số trí tuệ, chậm sự lão hóa trí não ở người trưởng thành.

Nghiên cứu khoa học tại Canada và Mỹ cho thấy, bên cạnh chức năng hỗ trợ phát triển trí não và thị lực, việc cung cấp DHA vào chế độ ăn của trẻ còn có tác dụng hỗ trợ khả năng cân bằng đáp ứng miễn dịch, từ đó giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh trong 3 năm đầu đời.

Nhu cầu DHA hoặc tiền chất DHA -linolenic acid là 0.5-1g/kg/ngày hoặc 0.3% tổng năng lượng khẩu phần. Nguồn thực phẩm giàu DHA là các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá basa, cá ngừ, lòng đỏ trứng, tim gan … Trong sữa bò không có DHA. Dầu gan cá, ăn các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu oliu…) cũng cung cấp tiền chất của DHA.

Vitamin cũng có tác động lên hoạt động não bộ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung các chất vitamin và khoáng chất với liều lượng thấp có thể làm tăng nhẹ chỉ số IQ của bé (2-3 điểm). Mức độ này có vẻ không có ý nghĩa gì với bé được nuôi duỡng tốt nhưng với bé có điều kiện ăn uống thiếu thốn, việc bổ sung một liều lượng tương tự có thể làm tăng chỉ số IQ lên đến 15 điểm.

Các vitamin nhóm B như B1, B3, B5, B6, B12 có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau, sữa tươi… Vitamin B1: là chất không thể thiếu cho sự phát triển của não và khả năng tư duy của con người. Vitamin B2: đường glucose được dùng làm nguồn năng lượng cho não, khi đường tiến hành nhiệm vụ trao đổi chất rất cần một lượng vitamin B2 rất lớn. Vitamin B6: chủ yếu liên quan đến quá trình trao đổi chất, có tác dụng bổ trợ cho các chất xúc tác trong não, có nhiều trong các loại cá, các loại hạt đậu, gạo chưa giã kỹ. Vitamin B9 có nhiều trong rau lá xanh đậm, các loại hạt, cam, lòng đỏ trứng…Vitamin B12: nếu thiếu vitamin này sẽ dẫn đến thiếu máu, làm cho não không lấy được oxy và các chất dinh dưỡng. Vitamin B12 có nhiều trong: gan bò, gan lợn, sữa tách bơ, con hàu, cá trích, thịt, cá, trứng, sữa...

Vitamin C (có trong rau và trái cây); acid folic, magie (có trong rau lá màu xanh đậm); mangan (có trong các loại hạt, trái cây) và kẽm (có trong hàu, cá và các loại hạt). Các vitamin và khoáng chất không chỉ có lợi cho sức khỏe của trẻ nói chung mà còn giúp cải thiện chức năng não và tăng cường trí nhớ cho trẻ.

Vitamin A: nếu thiếu vitamin A, mắt sẽ không nhìn rõ. Vitamin A có nhiều trong: gan gà, gan cá, lá tía tô, rau chân vịt, lá su hào, rau cải dầu, cà rốt, trứng gà.

Sắt: Chất sắt là nguyên liệu để tạo hồng cầu trong máu mang oxi tới các tế bào trong cơ thể (trong đó có tế bào não) để nuôi dưỡng cơ thể, thúc đẩy tế bào não phát triển. Thiếu hụt sắt sẽ khiến bé chậm phát triển tinh thần vận động, bị hạn chế sự nhận thức, vô tâm trước tất cả, thờ ơ, không tập trung, chóng mệt mỏi, buồn ngủ, giảm trí nhớ...

Thực phẩm chứa nhiều sắt bao gồm: thịt, gan, tiết, lòng đỏ trứng, cá, các loại rau như: rau dền, rau ngót,..., các loại ngũ cốc: đại mạch, kê, bánh mỳ, các loại đậu...

Chất sắt có trong các loại rau củ, trái cây, ngũ cốc và hạt dẻ được hấp thụ tốt hơn cùng với vitamin C, vì thế khi ăn cháo kê hay đại mạch nâu nên uống thêm cuốc nước hoa quả sẽ rất tốt.

Khi chất béo, canxi, và phốt pho thừa sẽ gây cản trở việc hấp thụ chất sắt của cơ thể. Vì thế không nên ăn chung thịt và sữa, phô mai. Cả chất tanin cũng cản trở việc hấp thụ sắt, vì thế không nên uống trà và cà phê trong bữa ăn có thịt.

Kẽm: Chất kẽm rất có ích cho não bộ, vì kẽm giúp bảo vệ các tế bào trước những tác động có hại, ảnh hưởng tới trao đổi chất, tham gia vào hình thành mô não bộ, kiểm soát, tổng hợp những chất đạm phụ trách về trí nhớ và học tập. Khi thiếu chất vi lượng này cơ thể không có biểu hiện gì đặc biệt, nên chúng ta rất khó nhận biết để kịp thời bổ sung. Bé có thể nhìn kém trong bóng tối và nheo mắt, dù không có rối loạn thị giác rõ rệt nào. Việc thiếu kẽm cũng gây ảnh hưởng tới khả năng nhận biết của trẻ và làm giảm sản xuất một số men tiêu hóa, có thể gây ra biếng ăn. Hải sản và thịt, sữa được xem là nguồn cung cấp kẽm rất lớn cho cơ thể trẻ. Ngoài ra kẽm còn có trong: gan, trứng, nấm, ngũ cốc, đậu phụ, cá khô, con hàu, rau câu, thịt lợn, hạt đậu, nấm, sò biển…và các loại hạt dẻ, hạt bí đỏ và hạt vừng.

Canxi: Cơ thể đủ canxi thì sẽ giúp cho xương, răng phát triển tốt, kiểm soát sự ức chế khác thường của thần kinh. Thiếu canxi sẽ làm cho tính tình thô bạo, sức đề kháng kém, không tập trung, suy nghĩ chậm chạp. Thực phẩm có nhiều canxi là: sữa bò, hải đới, canh sườn, cá, rau sống, các sản phẩm làm từ đậu, tôm, các loại quả…

I ốt: I ốt có ý nghĩa đặc biệt cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Ở những nước thiếu i ốt tự nhiên, chỉ số trí tuệ trung bình của người dân kém hơn các nước khác có i ốt đầy đủ từ 10 đến 15%. Cung cấp Iốt đầy đủ liên tục giúp hình thành não bộ hoàn chỉnh. Iốt cũng là nguyên liệu để tổng hợp hormone tuyến giáp rất cần thiết cho tăng trưởng,điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương và các bộ phận khác của cơ thể như tiêu hóa, tim.

Cách tốt nhất để bổ sung iot là dùng muối chứa i ốt trong nấu ăn. Ngoài ra, Iốt được tìm thấy nhiều nhất trong tảo, hải sản, trứng, sữa, rau xanh. Iốt giúp tuyến giáp tổng hợp các hóc môn Thiếu chất này, trẻ sẽ kém thông minh.

Cholinlà tiền chất của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine rất quan trọng trong việc tạo trí nhớ và phát triển sự nhận thức, tăng học hỏi cho bé. Người ta nhận thấy một chế độ ăn đầy đủ cholin thời ấu thơ có tác dụng phòng ngừa bệnh Alzheimer's.

Ngoài vai trò là dưỡng chất của sự phát triển trí não, cholin còn đóng vai trò chống ứ mỡ ở gan và giảm nguy cơ tim mạch do khả năng chống oxy hóa.

Cholin được xem là một dưỡng chất cần thiết cho con người với nhu cầu khuyến nghị là 250mg mỗi ngày cho bé 3-6 tuổi. Cholin có nhiều trong gan (350mg/100g), trứng (250mg/1 quả), bắp cải (250mg/100g), đậu nành (290mg/100g)… Sữa bò có ít cholin chỉ có 23mg/100ml. Ngoài ra Cholin có trong thịt bò, trứng, nước cam, chuối, sữa…

Sialic acidlà một oligosaccharide có tham gia cấu tạo khớp thần kinh. Sialic acid cần thiết cho sự phát triển khả năng học tập của bé. Nhu cầu khuyến nghị chưa xác định.

Phospholipid là một dưỡng chất mang tính nền tảng trong cấu trúc và chức năng của tế bào. Phospholipid tham gia sản sinh tế bào mới, tạo vỏ bọc cho tế bào thần kinh, tạo điều kiện giúp các tế bào thần kinh truyền tín hiệu được thuận lợi và nhanh chóng; từ đó, hoạt động của não bộ sẽ nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Lòng đỏ trứng và thịt nội tạng là nguồn cung cấp phospholipid dồi dào cho trẻ.

Axít Folic tốt cho sự phân chia tế bào trong quá trình phát triển não. Axit folic có trong các loại rau cải, trái cây tươi.

Carbonhydrate: Carbonhydrate cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não của bé. Tuy nhiên, hàm lượng carbonhydrate có trong thực phẩm cũng đã đủ để cung cấp cho nhu cầu cơ bản của cơ thể, không cần phải bổ sung quá nhiều.

Theo thaythuoccuaban.com tổng hợp

Xem tiếp >>

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích. Hãy chia sẻ để tạo phúc cho mình và giúp đỡ mọi người.

Tư vấn sức khỏe trực tuyến Tư vấn sức khỏe trực tuyến Chia sẻ facebook Tư vấn sức khỏe trực tuyến


Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.com chỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.
. Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH
Tư vấn sức khỏe trực tuyến  Tư vấn sức khỏe trực tuyến   Đầu trang