Bài thuốc chữa bệnh - Banner
HOME MENU Bài thuốc chữa bệnh - Tìm kiếm

Chế độ ăn uống cho bệnh viêm bàng quang

Viêm bàng quang là tình trạng nhiễm trùng cấp tính hay mạn tính ở bàng quang.

Viêm bàng quang là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng: đái dắt, khó đái và đái mủ. Bệnh nhân đi tiểu nhiều lần, đau trước, trong và sau khi đi tiểu, cảm giác buốt mót lúc cuối, nhiều khi đau dữ dội, chuột rút lan tới quy đầu đến 2 bẹn và hậu môn, nước tiểu đục toàn bộ nhưng chủ yểu là đầu bãi và cuối bãi, cặn vẩn đục khá đặc có khi lẫn đái máu nếu có viêm bàng quang xuất huyết. Toàn thân bệnh nhân có thể có hội chứng nhiễm trùng cấp tính. Viêm bàng quang cấp không điều trị tốt sẽ tái phát nhiều lần dẫn đến viêm bàng quang mạn tính.

Bệnh nằm trong chứng Lâm của y học cổ truyền. Do ngoại nhân (thấp nhiệt) xâm nhập vào cơ thể gây ra bệnh hoặc do nội thương (âm hư hoặc thấp nhiệt, huyết nhiệt) tiếp tục tồn tại: gây ra bệnh mạn tính.

Dựa trên những lý luận đó, phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn chúng tôi xin cung cấp cho bệnh nhân một số vấn đề trong chế độ ăn uống và sinh hoạt nhằm phòng chữa viêm bàng quang cấp, tránh tái diễn trong viêm bàng quang mạn tính.

* Về chế độ ăn nguyên tắc cơ bản là Đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống đủ nước và tránh các thực phẩm có gây kích thích bàng quang

Số lượng nước uống trong 1 ngày phải đảm bảo từ 1,5l đến 2l. Uống đủ lượng nước này giúp cơ thể bài tiết tốt tránh nước tiểu ứ đọng ở bàng quang đồng thời nước tiểu là biện pháp đẩy vi khuẩn ra ngoài hạn chế được viêm nhiễm. Nguy cơ bị viêm bàng quang sẽ tăng lên vào mùa hè vì do tiết mồ hôi nhiều thì đi tiểu sẽ ít đi.

Bạn cũng có thể dùng một số loại nước ép như: Nước ép dâu tây, hay dâu tằm, tối thiểu 300ml mỗi lần, nếu được 3-4 lần trong ngày càng tốt. Kết quả nghiên cứu cho thấy nước ép hai loại dâu này nhờ tác dụng ngăn không cho các loại vi khuẩn sinh bệnh bám vào niêm mạc đường tiết niệu và đành theo dòng nước tiểu vào đường đào thải nên an toàn hơn các loại thuốc kháng sinh kinh điển. Theo nghiên cứu ở Scandinavia và ở Hoa Kỳ, tỉ lệ tái phát có thể giảm50% nếu uống mỗi ngày hai lần, mỗi lần 200ml nước ép trái dâu pha loãng với nước khoáng loại có nhiều kali trong suốt thời gian điều trị viêm bàng quang. Nước ép cây nam việt quất có thể có các đặc tính chống viêm.

Một số loại quả lợi tiểu như dưa hấu, lê, dưa ngọt, nho, ... các loại thực phẩm như: ốc, ngô, đậu xanh, hành củ... có thể làm giảm các triệu chứng tiểu nhiều, tiểu buốt, tiểu gấp.

Nấu canh với rau cần tây để tận dụng khả năng hạ chất acid uric của món ăn này nhằm gián tiếp góp phần ngăn chặn tình trạng bội nhiễm trên đường tiết niệu.

Tăng lượng tỏi trong khẩu phần hàng ngày để mượn tác dụng kháng sinh của hoạt chất kháng sinh trong tỏi. Để tránh mùi hăng của tỏi gây trở ngại cho sinh hoạt cộng đồng có thể nhai chút ngò rồi uống ngay ngụm sữa tươi.

Ăn protein trong thịt, cá trứng để axit hóa nước tiểu

Các thực phẩm gây kích thích bàng quang bao gồm: rượu, chè, cafe, thuốc lá, đồ uống có ga... vì chúng kích thích phản ứng co thắt bàng quang khiến tăng tình trạng tiểu rắt. uống rượu làm loại nước ra khỏi cơ thể khiến nước tiểu đậm đặc và có tính axít, làm cho bệnh dễ tấn công. Thuốc lá được biết đến là một trong các nguyên nhân của ung thư bàng quang.

Một số thực phẩm có chứa axid như vitamin C, trái cây và đồ uống, giấm, chanh, nho, ổi, xoài, dứa cũng được cho là làm trầm trọng thêm viêm bàng quang mạn tính.

Các loại thực phẩm khác có thể làm tăng các triệu chứng vì chúng có chứa tyramine hóa học tự nhiên bao gồm rượu, bia, phô mai, các loại hạt, sữa chua, chuối, nước sốtđậu nành, gan gà, nho khô, kem chua, bơ, đóng hộp trái vả, thịt bò corned, đậu fava, ủ rượu, bia nấm men, và sô cô la.

Một số bệnh nhân viêm bàng quang mạn tính cũng đã nhận thấy tiến triển xấu đi của các triệu chứng sau khi ăn hoặc uống các sản phẩm có chứachất làm ngọt nhân tạo.

Bệnh nhân viêm bàng quang cũng nên tránh gia vị cay nồng như tiêu, ớt, rượu bia, sôcôla và nhất là cà chua vì đó là những yếu tố khiến tình trạng nhiễm trùng tiết niệu thêm trầm trọng.

Lúc đang bệnh, bệnh nhân cũng không nên ăn những thứ có tính ôn như thịt dê, cho, thỏ và những món ăn chiên.

Đối với bệnh nhân thườngxuyên bị đau bụng táo bón chúng tôi khuyên bệnh nhân nên kết hợp điều trị táo bón, chú ý đến cân bằng chế độ ăn uống của mình nên kết hợp ăn nhiều rau xanh, hoa quả, chất xơ. Cố gắng ăn đúng giờ và có chế độ tập luyện thể dục. Táo bón gây ra tình trạng ứ đọng phân trong ruột già cũng là tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi.

* Bên cạnh chế độ ăn uống, chúng tôi cung cấp cho bệnh nhân một số lời khuyên trong sinh hoạt hàng ngày giúp phòng tránh viêm bàng quang:

Nghỉ ngơi đầy đủ

Rửa âm hộ và hậu môn thường xuyên: hàng ngày, sau quan hệ tình dục, ngày hành kinh, sau khi đi vệ sinh với xà bông nhẹ, không dùng xà bông, hay nước xịt quá thơm.

Hạn chế vệ sinh bên trong cơ quan sinh dục của mình. Chỉ nên làm từ 1-2 lần/ngày. Sử dụng các sản phẩm có độ pH phù hợp( 5-7), không nên dùng các sản phẩm diệt khuẩn.

Tránh dùng vòi hoa sen rửa trực tiếp vào âm hộ, điều này giúp cho vi khuẩn ẩn náu ở lỗ ngoài niệu đạo có cơ hội vào trong niệu đạo rồi lên bàng quang theo dòng nước rửa. Càng không nên dùng bồn tắm

Luôn luôn lau rửa từ trước ra sau, sau mỗi lần đi vệ sinh để không làm lây lan vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo, niệu đạo

Tránh gây ẩm ướt hay làm tăng nhiệt độ cơ thể.

Mặc quần bằng vải cotton thay vì jean chật và quần lót chật, mặc quần áo quá chật vì sẽ kích thích tiết mồ hôi.

Chú ý giữ vệ sinh trong thời gian kinh nguyệt, định kỳ thay băng vệ sinh 4 – 6 h một lần.

Dùng dầu bôi trơn trước khi quan hệ tình dục.

Đi tiểu thường xuyên đều đặn, không nhịn tiểu. Đi tiểu trong vòng 10 phút sau khi quan hệ tình dục. Nếu thấy hiện tượng đau của viêm bàng quang ngay sau khi quan hệ, bạn nên đi tiểu ngay vì nước tiểu sẽ giúp đuổi những vi khuẩn có hại đang trú ngụ ở ngay niệu đạo.

Dùng giấy vệ sinh trắng, giấy màu có thể gây kích ứng vì chất nhuộm màu.

Để giảm cảm giác đau tức bàng quang, bệnh nhân có thể chườm ấm bằng một miếng đệm nóng đặt lên bụng

Nhiều bệnh nhân cảm thấy rằng việc tập thể dục đều đặn thường xuyên giúp giảm các triệu chứng

Một số nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy một số phương pháp luyện tập cho bàng quang như: đi tiểu vào những giờ nhất định bằng cách sử dụng các kỹ thuật giúp thư giãn, giảm kích thích bàng quang đảm bảo cho việc đi tiểu đúng giờ.

Theo thaythuoccuaban.com tổng hợp

Món ăn tốt cho bệnh viêm bàng quang

Trên cơ sở tư vấn cho bệnh nhân viêm bàng quang về chế độ ăn và sinh hoạt, chúng tôi cung cấp cho bệnh nhân một số món ăn tốt cho bàng quang mà chúng tôi đã dày công nghiên cứu:

Rau dền nấu vỏ dưa hấu.Lấy độ 100g rau dền tươi, 100g vỏ dưa hấu, 50g cỏ tranh. Rau dền rửa sạch, cắt khúc, cỏ tranh rửa sạch cắt khúc, vỏ dưa hấu rửa sạch cắt thành miếng nhỏ. Cho cả 3 nguyên liệu vào nồi cùng khoảng hơn một lít nước, nấu chín, gạn lấy nước, bỏ bã, rồi cho vào 50g đường để uống trong ngày thay cho nước khác.

Cháo gạo tẻ nấu vị thuốc xa tiền thảo. Dùng 50g vị thuốc xa tiền thảo rửa sạch, cắt khúc ngắn rồi cho vào một lít nước nấu lấy nước xa tiền thảo. Lấy một ít gạo tẻ loại ngon vo sạch, rồi dùng nước xa tiền thảo vừa nấu đem nấu cháo, khi cháo chín, nêm nếm gia vị và cho hành lá vào, dùng khi cháo còn nóng ấm.

Đậu phụ nấu rau tề thái.Rau tề thái tươi 300g (loại rau thuộc họ cải, mọc hoang nhiều ở ruộng, bờ sông), đậu phụ 30g, tinh bột gạo 20g (hoặc bột sắn) dầu vừng (mè), các gia vị. Rau tề thái rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng 15 phút, vớt ra để ráo, cắt nhỏ. Đậu phụ xắt miếng nhỏ.

Cho 1 lít nước vào nồi, đun sôi nước rồi cho rau tề thái cùng đậu phụ vào, đảo đều đun sôi 10 phút và cho tinh bột vào khuấy đều, thêm dầu vừng, nước, gia vị, dùng khi còn nóng.

Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc được khuyến nghị dùng cho người bị nhiễm trùng đường niệu:

Canh thịt nạc, rau sam, đậu xanh:

Nguyên liệu: đậu xanh, thịt nạc heo mỗi thứ 150g, rau sam 200g, tỏi 4 tép, dầu, muối, mỗi thứ lượng thích hợp.

Cách chế biến: rau sam rửa sạch, cắt đoạn. Thịt nạc rửa sạch, cắt miếng, tỏi lột bỏ vỏ. Đậu xanh vo sạch, cho vào lượng nước thích hợp, nấu 15 phút, cho rau sam và thịt nạc vào, nếu khaongr 1 giờ, nấu đến khi thịt heo mềm, nêm gia vị vào là được. Món này chia ra ăn hết trong ngày.

Công dụng: thanh nhiệt dừng lỵ, giải độc mát máu, thích hợp cho người bị nhiễm trùng hệ tiết niệu cấp, viêm bể thận, cùng với bệnh lỵ vào mùa hạ, viêm vị tràng, thấp độc da, rôm nóng.

Canh bí đao đậu xanh

Nguyên liệu, bí đao 1kg, đậu xanh 300g, nước dùng 500g, gừng sống 10g, hành 30g, muối 2g

Cách chế biến: lấy nồi nhôm rửa sạch, đổ nước dùng vào nồi nấu sôi, vớt bọt. Gừng rửa sạch, giã nát bỏ vào nồi. Hành cắt bỏ rễ, rửa sạch, bó lại bỏ vào nồi.

Đậu xanh cho vào nước, vớt vỏ đậu nổi trên mặt nước ra, sau đó bỏ vào nồi canh. Bí đao gọt vỏ, bỏ hạt, rửa sạch, cắt miếng bỏ vào nồi canh, nấu mềm, thêm vào ít muối là được. Món này chia ra ăn hết trong ngày.

Công dụng: thanh nhiệt, lợi niệu, giải nắng, thích hợp cho người bị khó tiểu do thủy thấp ngưng trệ mùa hạ gây ra, tiểu ít màu vàng, miệng khát bực bội, phù thũng, nhiễm trùng đường niệu nóng rát đau. Đây là món canh cao cấp để bảo vệ sức khỏe gia đình.

Chú ý: đậu xanh phải chọn dùng loại đậu mới trong năm là tốt

Bí đao phải bỏ vào sau khi đậu xanh đã nấu nhừ.

Trước khi ăn phải vớt bỏ hành.

Canh nấm tươi giá đậu nành

Nguyên liệu: giá đậu nành 250g, nấm rơm tươi 50g, muối, bột ngọt, mỗi thứ lượng thích hợp.

Cách chế biến: nấm rửa sạch, cắt miếng. Giá đậu nành bỏ rễ, rửa sạch, cho vào nồi, thêm vào lượng nước thích hợp nấu 20 phút, bỏ nấm vào, nêm gia vị vào nấu thêm 3 phút là được. Món này ăn hết trong ngày, nên ăn nóng.

Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, giải thủy trướng, tiêu tích nhiệt, thích hợp dùng hỗ trợ điều trị cho người bị nhiễm trùng hệ tiết niệu khi mang thai, cao huyết áp do mang thai, phù thũng khi mang thai.

Canh đậu xanh rau sam:

Nguyên liệu: rau sam tươi 120g (hoặc khô 60g), đậu xanh 60g.

Cách chế biến: rau xam và đậu xanh rửa sạch, nấu canh ăn. Món này mỗi ngày ăn 1-2 lần, ăn liền 3 ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi nhiệt tiêu thũng, thích hợp cho người bị nhiễm trùng hệ tiết niệu, tiểu rít đau, nước tiểu có màu vàng đỏ, miệng đắng và khô.

Canh dưa chuột tôm khô:

Nguyên liệu: Dưa chuột 100g, tôm khô 50g, nước tương 10g, muối, nước gừng mỗi loại 1g, bột ngọt 1,5 g, nước dùng 250ml, gừng miếng vài lát.

Cách chế biến: Tôm khô ngâm nước nóng cho mềm, rửa sạch, bỏ vào bát, thêm nước và gừng miếng vào chưng 10 phút. Dưa chuột rửa sạch, cắt miếng dài khoảng 4cm, rộng khoảng 1,5cm, dày khoảng 0,5 cm.

Đổ nước dùng vào nồi, lấy tôm khô và ¼nước trong bát cho vào nồi, bỏ dưa chuột vào, thêm nước tương, bột ngọt và nước gừng vào, đợi canh sôi, vớt bọt, múc vào bát lớn là được. Món này chia ra ăn hết trong ngày.

Công dụng: thanh hỏa giải độc, lợi niệu trừ thấp, thích hợp cho người bị nhiễm trùng hệ tiết niệu hỏa nhiệt nội thịnh, miệng khô đắng, cổ họng sưng đau, khát nhiều thích uống, mắt nóng.

Chú ý: người bị tỳ vị hư hàn không được ăn.

Canh đậu xanh của cải trắng:

Nguyên liệu: củ cải trắng 1 củ to, giá đậu xanh 30g

Cách chế biến: củ cải rửa sạch, cắt miếng, bỏ vào nồi, cho giá đậu xanh vào, thêm nước vào nấu sôi, bớt lửa nấu thêm khoảng 30 phút là được. Món này chia ra ăn hết trong ngày.

Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng, thích hợp cho người nước tiểu đỏ vàng, tiểu nhiều lần, tiêu đau do thấp nhiệt gây ra và sốt đau đầu, miêng khô nghẹt mũi do ngoại cảm thấp nhiệt gây ra.

Canh râu bắp đậu đỏ:

Nguyên liệu: lá xa tiền 60g, đậu đỏ 45g, râu bắp 45g, cam thảo sống 10g

Cách chế biến: lá xa tiền rửa sạch, cắt nhuyễn, cùng râu bắt, cam thảo bỏ vào nồi, thêm nước vào nấu lấy nước bỏ bã.

Đậu đỏ rửa sạch cho vào nồi, đổ nước thuốc vào nấu chín là được. Món này ăn được cả nước lẫn cái, mỗi ngày một thang, ăn liên tiếp 7-10 ngày.

Công dụng: lợi niệu tiêu thũng, tiêu viêm thấm thấp, thích hợp cho người bị viêm đường niệu cấp, mạn tính và viêm bàng quang.

Canh đậu xanh bồ công anh:

Nguyên liệu: bồ công anh, địa đinh hoa tím mỗi loại 30g, đậu xanh 60g.

Cách chế biến: bồ công anh, địa đinh hoa tím rửa sạch, cắt nhuyễn, cho vào nồi, thêm nước vào nấu lấy 1 bát lớn nước bỏ bã. Đậu xanh rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước thuốc vào nấu mềm là được. Món này ăn cả nước lẫn cái, mỗi ngày 1 thang, dùng liên tiếp 5-7 ngày.

Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm lợi niệu, thích hợp cho người bị viêm bể thận cấp, viêm bàng quang, viêm niệu đạo do thấp nhiệt, tiêu máu.

Canh cam thảo tam đậu:

Nguyên liệu: đậu xanh 20g, đậu đỏ, đậu đen mỗi loại 15g, cam thảo 4g.

Cách chế biến: tất cả những nguyên liệu trên rửa sạch, cho vào nồi đất, thêm vào lượng nước thích hợp, nấu đến khi đậu mềm là được. Món này chia 2 lần ăn hết trong ngày, ăn liên tiếp 5 ngày là một liệu trình.

Công dụng: lợi niệu, tiêu thũng, giải độc thanh nhiệt, thích hợp cho người bị nhiễm trùng hệ tieests niệu cấp, phù thũng, khó tiểu, miệng khô và đắng.

Cháo ngô:

Nguyên liệu: ngô, muối, đường, mỗi thứ lượng thích hợp

Cách chế biến: ngô rửa sạch, cho vào nồi, thêm nước vào nấu cháo, cho đường, muối vào điều vị là được. Mỗi ngày ăn vào buổi sáng sớm, nên ăn nóng.

Công dụng: điều trị nhiễm trùng hệ tiết niệu.

Trứng cút đường phèn:

Nguyên liệu: cẩu kỷ tử 30g, đường phèn 30 g, trứng cút 6 quả.

Cách chế biến: cẩu kỷ tử rửa sạch, đường phèn đập nát. Đổ vào nồi 1000ml nước, để lửa lớn nấu cho sôi, bỏ đường phèn vào, đập trứng cút bỏ vào, kho bỏ vào nồi nhớ để ý rồi vặn lửa nhỏ lại, bỏ cẩu kỷ tử vào nấu cho sôi thì được. Món này dùng ngày 2 lần, ăn không.

Công dụng: tẩm bổ gan thận, bổ ích khí huyết.

Rau cần củ năng xào thịt

Nguyên liệu: củ năng 100g, rau cần 200g, thịt heo nạc 300g, dầu ăn 50g, hành 20g, đường trắng, bột thủy đậu mỗi thứ 30g

Cách chế biến: Rau cần rửa sạch, cắt khúc dài 3cm, hành cắt khúc, củ năng gọt vỏ, cắt làm 2, thịt heo cắt miếng mỏng. Đổ dầu vào chảo, hơi nóng thì đổ thịt vào xào cho đổi màu, bỏ củ năng, hành, cần vào xào lộn, rồi bỏ bột thủy đậu, đường phèn vào thì được. Món này dùng ngày 2 lần, ăn trong bữa chính.

Công dụng: thanh nhiệt lợi thủy, hạ áp khử mỡ.

Trà sâm cẩu kỷ:

Nguyên liệu: cẩu kỷ tử 20g, Sâm Tây dương 10g

Cách chế biến: Sâm cắt miếng, cẩu kỷ tử rửa sạch, đường phèn đạp nát. Bỏ tất cả vào nổi, đổ vào 2000ml nước, nấu 20 phút thì được. Món này dùng ngày 2 lần, mỗi lần 1000ml nước.

Công dụng: bổ âm bổ thận, dùng cho nhiễm đường niệu mạn tính.

Xem tiếp >>

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích. Hãy chia sẻ để tạo phúc cho mình và giúp đỡ mọi người.

Tư vấn sức khỏe trực tuyến Tư vấn sức khỏe trực tuyến Chia sẻ facebook Tư vấn sức khỏe trực tuyến


Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.com chỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.
. Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH
Tư vấn sức khỏe trực tuyến  Tư vấn sức khỏe trực tuyến   Đầu trang