Sa dạ con là tình trạng tử cung sa thấp hơn vị trí bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là dây chằng và các cơ nâng đỡ tử cung bị rão, tổ chức giữa âm đạo và âm hộ bị tổn thương chưa phục hồi sau khi sinh đã phải lao động quá sớm hoặc quá nặng.
Sa tử cung có 3 độ:
Độ 1 (nhẹ): Tử cung sa xuống thập thò âm đạo.
Độ 2 (vừa): Tử cung sa xuống lộ ra ngoài âm đạo nhưng thân tử cung vẫn nằm trong âm đạo.
Độ 3 (nặng): Toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo.
Khi tử cung bị sa ra ngoài, thành âm đạo và một phần bàng quang, có khi cả trực tràng cũng sa theo. Người bệnh cảm thấy khó chịu, đi lại vướng víu, dễ bị viêm nhiễm, lở loét. Tùy theo mức độ sa mà Tây y có thể dùng thuốc (với độ 1, 2) hay phẫu thuật (với độ 3). Đông y cũng có các phương pháp và bài thuốc để chữa trị bệnh này, đặc biệt là bằng cách xoa bóp:
Day huyệt bách hội: Dùng ngón giữa của bàn tay ấn vào huyệt bách hội (ở đỉnh đầu), day ấn 100 lần.
Xoa vùng trung nguyên: Dùng tay phải áp vào vùng thượng vị day đi day lại mỗi lần khoảng 3 phút.
Xoa bụng: Đặt lòng bàn tay trái để lên mu bàn tay phải rồi úp vào vùng rốn, xoa theo chiều kim đồng hồ, mỗi lần 2 phút.
Day huyệt tam âm giao: Dùng ngón tay day huyệt tam âm giao 2 bên, mỗi bên 50-100 lần. Huyệt nằm trên mắt cá chân phía trong khoảng 3 đốt ngón tay.
Khi tử cung bị sa ra, nên đẩy nhẹ vào âm đạo, sau đó chổng mông cao khoảng 20 phút, kết hợp dùng các phương pháp xoa, day bấm.
Để phòng bệnh, phụ nữ mang thai và sau khi sinh nên đi lại nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng. Khi hành kinh cũng vậy. Khi bê vật nặng không tỳ vào bụng. Sau khi sinh, nên tập vận động cơ bắp chân để giúp cơ vùng tiểu khung săn chắc.
Thầy thuốc của bạn tổng hợp