Bài thuốc chữa bệnh - Banner
HOME MENU Bài thuốc chữa bệnh - Tìm kiếm

Bệnh bụi phổi (Pneumoconiosis )

Bệnh bui phổi là gì?

Giới thiệu chung về bệnh

Theo một thống kê, tại các khu công nghiệp số công nhân mắc bệnh về phổi đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt nhất là bệnh bụi phổi-silic hay bệnh bụi phổi bông là phổ biến nhất.

Định nghĩa:

Bệnh bụi phổi

Bệnh bụi phổi là một thuật ngữ chung cho bất kỳ bệnh phổi nào do bụi gây ra và sau đó bụi tích tụ sâu trong phổi gây ra tổn thương. Bệnh bụi phổi thường được coi là bệnh phổi lao động, bao gồm cả chứng bệnh xơ vữa động mạch, bệnh phổi nhiễm bụi silic và bệnh phổi mỏ than (CWP), còn được gọi là “bệnh phổi đen”.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh bụi phổi rất khác nhau tùy thuộc vào loại bụi, phần số lượng phổi bị ảnh hưởng và mức độ tiếp xúc của bụi. Bệnh bụi phổi đôi khi không gây ra triệu chứng và được chẩn đoán trong các chương trình giám sát tại nơi làm việc để kiểm tra sức khỏe của người lao động. Bạn sĩ tìm ra dấu hiệu ban đầu của bệnh bụi phổi bằng cách chụp X-quang ngực và/hoặc phế dung (kiểm tra hít vào – thở ra để kiểm tra xem không khí trong và ngoài phổi như thế nào).

Phân loại

Bệnh bui than phổi

Tên khác: Lao phổi thợ mỏ, bệnh phổi do bụi than.

Định nghĩa: Bệnh bụi phổi xơ hoá lan toả do thở hít phải bụi trong các mỏ than.

Căn nguyên: Bụi than và bụi than chì

Giải phẫu bệnh: thông thường nhất là thấy hình thành bệnh bụi phổi đơn thuần với những nốt quanh tiểu phế quản và giãn phế nang trung tâm tiểu thuỳ. Trường hợp xơ hoá lan rộng tiến triển hiếm xẩy ra, nhưng nếu có thì thể hiện bệnh nặng với những nốt có đường kính > 1 cm, diễn biến tới suy tuần hoàn- hô hấp. Có thể có những nốt bụi đá kết hợp.

Triệu chứng: nếu đôi tượng không hút thuốc lá thì có thể bệnh không có hoặc có biểu hiện triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên, cũng thường thấy viêm phế quản mạn tính và những dấu hiệu giãn phế nang (khí phế thũng).

X quang: cho thấy những hình mờ dạng lưới hoặc dạng nốt cực nhỏ không rõ nét, kém đậm đặc, trải rộng từ rôn phổi tối vùng ngoại vi của phổi. Xơ hoá phổi rộng có thể tạo thành những nốt rỗng.

Phòng bệnh: làm trong sạch không khí. Kiểm tra lâm sàng và X quang định kỳ cho công nhân mỏ. Nếu người nào có triệu chứng của bệnh phổi thì phải ngừng lao động.

Điều trị: chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Bệnh bụi Amiăng (Amiant) phổi.

Định nghĩa: bệnh bụi phổi xơ hoá lan toả do thở hít phải bụi amiăng (amiant).

Căn nguyên: trong thành phần bụi thở hít vào phổi có các sợi amiăng cấu tạo bởi những chấ. silicat khác nhau (đặc biệt là chất chrysotil). Những sợi này có tỷ lệ chiều dài/ đường kính lớn hơn 3/1. Bệnh bụi amiăng phát triển sau khi tiếp xúc với chất này ở mức trung bình trong thời gian kéo dài hơn 10 năm.

Những ngành công nghiệp gây bệnh (sử dụng amiăng hiện nay đã bị cấm ở nhiều nước); công nhân lao động trong những mỏ amiăng, cách điện những ống và nồi cao áp, nhất là troi g công nghiệp đóng tầu, sản xuất bộ phận hãm, và những sản phẩm ximăng/ giấy-amiăng.

Giải phẫu bệnh: xơ hoá phế nang, mô kẽ và màng phổi lan toả. Thấy những sợi amiăng hoặc những “thể amiăng” (phức hợp có sắt) ở trong mô phổi và ở trong đờm là chứng có bệnh nhân có tiếp xúc với amiăng, nhưng cũng không nhất thiết là bị bệnh bụi amiăng phổi tiến triển.

Triệu chứng: khó thở tăng dần, ho, viêm phế quản đôi khi viêm phế quản thể hen. Diễn biến tới suy hô hấp, nhất là trong trường hợp hút thuốc lá kết hợp, và tới suy tâm thất phải.

Xét nghiệm bổ sung

- X quang: chụp X quang lồng ngực cho thấy phổi có vết mò dạng lưới không rõ nét, chủ yếu xuất hiện ở vùng đáy phổi. Màng phổi có thể bị dầy (xơ màng phôi) ít nhiều vôi hoá. Khác với bệnh bụi cilicat, bệnh bụi amiăng phổi không tạo nên điều kiện thuận lợi cho bệnh lao.

- Sinh thiết: sinh thiết phổi qua thành phế quản kém tin cậy. Sinh thiết bằng mở lồng ngực chỉ là hãn hữu.

Biến chứng

- Viêm màng phổi tiết dịch lành tính: bệnh nhân có tràn dịch màng phổi mắc đi mắc lại, với sốt, và tăng bạch cầu trong máu. Tràn dịch có thể phát triển 20 năm sau thời kỳ tiếp xúc với amiàng.

- Các mảng màng phổi: chụp X quang lồng ngực thấy có các mảng màng phổi ít nhiều bị vôi hoá và/hoặc dầy màng phổi cả hai bên (viêm dầy màng phổi). Những mảng màng phổi là bằng chứng tiếp xúc từ trước với amiăng. Các mảng này không tạo điều kiện thuận lợi cho u trung biểu mô ác tính phát triển, và không kèm theo thiểu năng hô hấp.

- U trung biểu mô ác tính của màng phổi (xem bệnh này).

- Ung thư phế quản-phổi: xuất hiện 10 đến 15 năm sau kể từ lúc bắt đầu thở hít phải sợi amiăng. Hút thuốc lá làm cho nguy cơ ung thư phế quản-phổi do hít thở amiăng tăng lên gấp 10 lần, nhưng không làm tăng nguy cơ bị u trung biểu mô màng phổi.

Diễn biến và tiên lượng: giai đoạn tiềm tàng đôi khi vượt quá 30 năm, nhưng khi những triệu chứng đã xuất hiện, thì bệnh bụi amiăng phổi sẽ diễn biến ít nhiều nhanh chóng tối suy hô hấp.

Phòng bệnh: làm sạch không khí. Kiểm tra lâm sàng và X quang một cách hệ thống cho công nhân. Mọi người lao động tiếp xúc với amiảng đều phải bỏ hút thuốc lá.

Điều trị: là điều trị triệu chứng.

Bệnh bụi Berylli Phổi

Định nghĩa: là bệnh phổi lan toả do thở hít phải bụi và khói chứa chất berylli (berillium).

Căn nguyên: thở hít phải bụi và hơi có chứa chất berylli. Khả năng dễ bị mắc bệnh thay đổi tuỳ theo từng cá nhân. Một số cá nhân phơi nhiễm thường xuyên với chất này nhưng không bao giờ bị bệnh, trong khi một số người khác chỉ tiếp xúc với lượng nhỏ và trong thời gian ngắn lại có thể phát sinh những tổn thương sau một số năm.

Những ngành công nghiệp gây bệnh: khai khoáng berylli, công nghiệp sản xuất đèn ống, các công nghiệp in, điện tử, nguyên tử, hàng không vũ trụ, và đồ gốm.

Giải phẫu bệnh: phù nề trong phế nang, thâm nhiễm viêm lan toả trong nhu mô phổi, u hạt chứa bạch cầu đơn nhân và những tế bào khổng lồ tương tự như trong bệnh sarcoid.

Triệu chứng

- Thể cấp tính: bệnh phế quản- phổi không điển hình với khó thở, ho và hình ảnh X quang của tổn thương phế nang. Viêm kết mạc mắt hoặc viêm da.

- Thể mạn tính: về lâm sàng, mô học và X quang, giống với bệnh sarcoid vì cũng có biểu hiện thâm nhiễm phổi lan toả và sưng hạch bạch huyết rốn phổi.

Tiên lượng: thể cấp tính có thể nguy kịch, nhưng nếu sống sót thì khỏi hoàn toàn. Thể mạn tính có thể diễn biến tới xơ phổi, suy hô hấp, và suy tâm thất phải (bệnh tâm-phế mạn).

Điều trị: điều trị triệu chứng.

Corticoid đã được sử dụng trong điều trị bệnh nhiễm berylli mạn tính nhưng kết quả không chắc chắn.

Bệnh bụi sắt phổi

Xơ phổi mạn tính do thở hít phải không khí có bụi hoặc khói oxyd sắt, biểu hiện lâm sàng bởi khó thở vừa, ho và khạc đờm. Bệnh diễn biến tối suy hô hấp và suy tâm thất phải. Xét nghiệm X quang cho thấy tăng những vệt phế quản-mạch máu, trường phổi lấm tấm hình ảnh những chấm mờ và bóng mờ rộng.

Bệnh bụi Silic phổi

Định nghĩa: bệnh bụi phổi xơ hoá lan rộng, do thở hít phải bụi khoáng chất chứa tỉnh thểsilic tự do.

Căn nguyên: thở hít phải các hạt tinh thể silic tự do (SiO2) có đường kính dưới 5 micron (tinh thể thạch anh).

Ngành công nghiệp gây bệnh: lao động trong những mỏ than hoặc mỏ sắt, trong hầm lò, những phòng tranh tượng, những nghề sử dụng đá granit, đất sét, đá bảng. Nghề khắc đá, phá đá đẽo đá, nghề gốm, công nghiệp xây dựng, công nghiệp bột mài, công nghiệp thuỷ tinh. Nghề mài bằng cát, nghề đúc, nghề tráng men.

Giải phẫu bệnh: những tinh thể silic hình kim bao quanh bởi những đại thực bào và tạo thành u hạt, các u hạt này có thể kính-hoá (hình ảnh trở nên trong suốt như vỏ củ hành), thành hốc rỗng (nhất là trong hội chứng Caplan), ăn mòn vào mạch máu của phổi. Phổi có những dấu hiệu xơ hoá, giãn phế nang (khí phế thũng) và viêm phế quản mạn tính.

Triệu chứng:

THỂ CẤP TÍNH: hiếm gặp, xuất hiện sau khi tiếp xúc với rất nhiều bụi silic trong một thời kỳ tương đôi ngắn (từ 10 tháng trở lên). Đôi khi thể này được gọi là ” bệnh silic- protein cấp tính”, và có biểu hiện như những trường hợp xơ phổi tiến triển nguy kịch. Xét nghiệm X quang cho thấy phổi bị thâm nhiễm với hình ảnh giống như lao kê.

THỂ MẠN TÍNH: những triệu chứng đầu tiên xuất hiện phụ thuộc vào thời lượng và cường độ phơi nhiễm với bụi silic. Thời kỳ tiềm tàng thay đổi từ 10 đến 30 năm. So với thời gian thâm nhiễm vào lúc phát hiện bằng X quang thì các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện chậm hơn từ vài tháng tới 20 năm. Khi bệnh bụi silic đã có biểu hiện thì bệnh sẽ diễn biến tự phát trong nhiều năm sau khi đã không còn bị phơi nhiễm với bụi nữa. Các triệu chứng đầu tiên là triệu chứng của viêm phế quản mạn tính (khó thở, ho, phế quản tiết nhiều dịch). Những triệu chứng này kín đáo trong bệnh bụi silic nốt nhỏ. Ngược lại các triệu chứng diễn biến tới suy tuần hoàn-hô hấp nặng trong bệnh bụi silic nốt to hoặc bệnh bụi silic giả khối u.

X quang (thể mạn tính):

GIAI ĐOẠN I: tăng độ đậm các vệt phế quản-mạch máu, nhất là trong vùng rôn phổi, rốn phổi hình như giãn rộng ra. Xuất hiện hình ảnh các nốt cực nhỏ (vi nốt, có đường kính < 4 mm).

GIAI ĐOẠN II: hình ảnh đặc phổi giới hạn nhỏ (< 6 mm), hình tròn, bờ khá rõ nét, hay thấy ở một phần ba giữa của trường phổi. Rốn phổi rộng ra hơn bình thường.

GIAI ĐOẠN III: hình ảnh nốt to hơn (> 10 mm), tụ thành đám (giả khối u), có hình ảnh sưng hạch bạch huyết rôn phổi, đôi khi vôi hoá (hình ảnh vỏ trứng). Những tổn thương bao giờ cũng có ở cả hai bên phổi và đôi xứng, trừ khi có bệnh lao-bụi silic.

Xét nghiệm bổ sung: sinh thiết phổi bằng mở lồng ngực đôi khi cần thiết để xác định chẩn đoán, nhất là trong y học lao động (đánh giá mức độ mất khả năng lao động).

Đo phế dung: cho thấy giảm tất cả các thể tích, đặc biệt là thể tích thở ra tối đa giây (FEVl hoặc VEMS). Trao đổi khí bị rối loạn.

Biến chứng

- Nhiễm khuẩn phế quản-phổi mắc đi mắc lại: do vi khuẩn sinh mủ, nấm, nhất là nấm aspergillus, nocardia,.V…

- Tràn khí màng phổi tự phát.

- Lao (bệnh bụi silic-lao): phải tìm cách phát hiện bằng xét nghiệm đờm làm lại nhiều lần để tìm trực khuẩn Koch (hoặc những vi khuẩn mycobacterium không điển hình), nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn phế quản-phổi tái phát nhiều lần hoặc có tổn thương phổi không đối xứng hoặc thành hang.

- Suy tâm thất phải.

Chẩn đoán: chủ yếu dựa vào hỏi tiền sử nghề nghiệp và điều tra tình hình phơi nhiễm với bụi silic, dựa vào hình ảnh X quang phổi, và trong trường hợp nghi vấn thì làm sinh thiết phổi qua mở lồng ngực.

Chẩn đoán phân biệt: biểu hiện của bệnh bụi silic phổi giống với nhiều bệnh phổi khác cần phân biệt: lao phổi (nhất là thể lao kê), bệnh sarcoid, bệnh mô bào X, ung thư tiểu phế quản-phế nang, u lympho ác tính, bệnh nấm phổi, bệnh bụi berylli phổi và bệnh bụi sắt phổi.

Điều trị: là điều trị triệu. Trong trường hợp bệnh bụi silic-lao thì điều trị bằng thuốc chống lao.

Phòng bệnh: làm sạch không khí bằng biện pháp loại bỏ các hạt silic. Lắp đặt các phương tiện thông gió. Kiểm tra lâm sàng và X quang định kỳ cho tất cả mọi người bị phơi nhiễm với bụi silic.

GHI CHÚ: Hội chứng Caplan (hoặc Caplan-Colinet) là sự kết hợp giữa bệnh bụi silic (hiếm hơn: giữa bệnh bụi than hoặc bệnh bụi amiăng) với bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Trên phim X quang chụp lồng ngực thấy một hoặc nhiều nốt mờ hình tròn đường kính từ 1-5 cm. Những nốt này có thể tăng lên nhanh chóng trong vòng vài tuần, rồi trở thành hốc rỗng. Có khả năng đó là hình ảnh những tổn thương do phản ứng quá mẫn đối với bụi silic ở những đối tượng mà tình trạng miễn dịch đã bị rối loạn sẵn vì bệnh viêm đa khớp dạng thấp.

Bảng tóm tắt:

Tên bệnh Tác nhân gây bệnh Dấu hiệu lâm sàng Dấu hiệu X quang

Các bệnh bụi sinh học phổi

(viêm phế nang dị ứng)

- Cỏ bị mốc.

- Thermospora (mía).

Khó thở dạng hen.

Phơi nhiễm dài hạn có thể dẫn tới suy hô hấp mạn tính. Phơi nhiễm cấp tính có thể không gây ra dấu hiệu X quang nào, hoặc dấu hiệu thâm nhiễm thoáng qua.

Phơi nhiễm dài hạn có thể dẫn tới hình ảnh xơ phổi.

Bệnh phổi ở nông trang viên Protein của chất thải động vật.

Bệnh bụi bã mía Thermosspora.

Bệnh của người nuôi chim Silophilus.

Bệnh của người hái nấm Mốc.

Bệnh của thợ mộc Aspergillus.

Bệnh của người làm pho mát Protein trong chất thải của động vật (lợn, bò).

Bệnh của thợ làm mạch nha

Bệnh của người được tiêm tinh chất tuyến yên.

Bệnh phổi của công nhân hẩm ủ phân Oxyd nitơ Khó thở, phù phổi. Hình ảnh nốt mờ rất nhỏ (vi thể).

Bệnh bụi kim loại nặng phổi Vonfram + cobalt, crôm, kền, titan. Khó thở, có thể diễn biến tới suy hô hấp. Hình ảnh xơ phổi mô kẽ.

Bệnh bụi sắt phổi Sắt (thợ hàn, thợ mài sắt). Không khó thở hoặc khó thở vừa phải. Vệt phế quản-mạch máu tăng đậm.

Bệnh bụi silic phổi Silic Suy hô hấp tiến triển năng dần. Vệt phế quản-mạch máu tăng đậm, hình ảnh nốt mờ, sung hạch bạch huyết rốn phổi.

Bệnh bụi thiếc phổi Muối thiếc. Không khó thở hoặc khó thở vừa. Không có hình ảnh X quang hoäc vệt phế quản-mạch máu tăng đậm.

Bệnh bột talc phổi Silicat magnesi (công nghiệp cao su). Suy hô hấp tiến trien năng dần. Hình ảnh xơ phổi mô kẽ.

Đông y chữa Bệnh bụi phổi (尘肺)

Đông y chữa bệnh bụi phổi

Đông y vốn không có bệnh này nhưng dựa vào các triệu chứng của bệnh, bằng phương pháp biện chứng luận trị, các thầy thuốc Đông y đã dùng thuốc đông dược hoặc kết hợp với thuốc tân dược điều trị hiệu quả.

Điều trị bụi phổi theo đông y là nhuận phế, sinh tân tăng khả năng đào thải của phổi, giúp cho bụi có thể theo đờm mà thoát dần ra.

Biện chứng phân thể trị liệu:

Triệu Phong (赵峰) phân bệnh này thành 3 thể:

Thể khí âm lưỡng hư:

Phép trị: ích khí dưỡng âm, thanh táo nhuận phế.

Phương trị: chọn dùng Thanh táo cứu Phế thang gia giảm (Tang diệp 12g, Cam thảo 6g, Nhân sâm 9g, Hồ ma nhân 9g, A giao 9g (cho vào thuốc sau), Mạch đông 10g, Hạnh nhân 9g, Chích bá diệp 9g, Sa sâm 15g, Bách hợp 10g, Ngọc trúc 10g, Bổ cốt chi 10g, Hoa phấn, Biển đậu đều 12g.)

Thể đàm nhiệt uất phế:

Phép trị: nhuận phế hóa đàm, chỉ khái

Phương trị: chọn dùng Thanh khí hóa đàm hoàn, Tang hạnh thang gia giảm.

(Đởm nam tinh 15g, Hoàng cầm, Qua lâu nhân, Tiêu chi tử đều 12g, Chỉ thực, Trần bì, Bán hạ, Hạnh nhân, Phục linh đều 10g)

Thể đàm ứ ngưng trệ:

Phép trị: khứ ứ thông lạc, hóa đàm nhuyễn kiên

Phương trị: chọn dùng Miết giáp tán, Huyết phủ trục ứ thang gia giảm (Đan sâm 15g, Đào nhân, Hồng hoa đều 10g, Đương quy, Sinh địa, Xuyên khung, Ngưu tất đều 9g, Xích thược, Cát cánh, Chỉ xác đều 6g, Cam thảo, Sài hồ đều 3g, Mẫu lệ 30g, Hạ khô thảo 15g, Tượng bối 12g, Trần bì, Bạch truật, Phục linh, Bán hạ, Bạch cập, Đan bì đều 10g, A giao 12g (cho vào nước thuốc sau)).

Bệnh viện Thái Hồ ở Thượng Hải dựa trên 184 ca lâm sàng phân bệnh này thành 4 thể:

Thể phế khí hư:

Phép trị ích khí dưỡng phế, hóa đàm chỉ khái. Thuốc dùng Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Sơn hải loa *, Nam sa sâm, Tử uyển, Tô tử, Qua lâu bì.

Thể phế âm hư:

Phép trị dưỡng âm thanh phế, hóa đàm chỉ khái. Thuốc dùng Nam sa sâm, Thiên môn, Mạch môn, Ngọc trúc, Bách hợp, Cáp xác, Tỳ bà diệp, Đởm tinh, Hải phù thạch **.

Thể khí âm lưỡng hư:

Phép trị ích khí dưỡng âm, hóa đàm chỉ khái. Thuốc dùng Hài nhi sâm, Sơn hải loa, Bắc sa sâm, Ngọc trúc, Thiên môn, Mạch môn, Hoàng tinh, Tang bạch bì, Qua lâu bì, Cáp xác, Đởm tinh.

Thể phế thận lưỡng hư:

Phép trị Phế thận song bổ. Thuốc dùng Đẳng sâm, Bạch truật, Hoàng kỳ, Sinh thục địa, Hoàng tinh, Tiên linh tỳ, Kỷ tử, Xuyên bối, Bạch cập, Bách hợp.

Năm 2008 Bệnh viện thành phố Cát Lâm tỉnh Cát Lâm nghiên cứu 188 ca bệnh bụi phổi. Trong đó:

Nhóm 1 gồm 122 ca có các triệu chứng chủ yếu là đau ngực, khí đoản, tim hồi hộp, yếu sức, sau khi hoạt động nặng thêm, ho suyễn, dùng phương cơ bản gia giảm. Phương cơ bản gồm Hoàng kỳ 50g, Tam thất 15g, Đương quy 15g, Đan bì 10g, Cam tùng 10g. Khí hư nặng gia Đẳng sâm 15g, huyết ứ nặng gia Hồng hoa 10g, Xích thược 15g, đàm thấp trở trệ gia Xuyên bối 5g.

Nhóm 2 gồm 24 ca có triệu chứng tim hồi hộp rõ, trên điện tâm đồ biểu hiện nhịp tim nhanh, trên phép trị cơ bản ở trên gia thêm thuốc dưỡng tâm an thần: Xương bồ 15g, Viễn chí 15g, Phục thần 30g.

Nhóm 3 gồm 8 ca có triệu chứng tim hồi hộp rõ, nhịp tim chậm, trên phép trị cơ bản ở trên gia Quế chi 15g, Nhục quế 15g, Phụ tử 5g.

Nhóm 4 gồm 22 ca có triệu chứng 2 chân dưới phù rõ dùng phép bổ phế ích khí, kiện tỳ lợi thấp. Phương thuốc Hoàng kỳ 35g, Bạch truật 30g, Phục linh 25g, Trư linh 25g, Đẳng sâm 15g, Phòng kỷ 15g, Trạch tả 15g.

Nhóm 5 gồm 4 ca viêm phổi dùng kháng sinh không hiệu quả dùng phép thanh nhiệt giải độc, thanh phế tiết hỏa. Phương thuốc Hoàng liên 15g, Hoàng bá 15g, Hoàng cầm 15g, Bồ công anh 50g, Thổ phục linh 25g, Mã xỉ hiện 25g.

Nhóm 6 gồm 8 ca thường bị cảm mạo, dùng phép bổ phế ích khí cố biểu. Thuốc dùng Hoàng kỳ 15g, Bạch truật 20g, Phòng phong 10g.

Kết quả:

122 ca nhóm 1 có 18 ca trị khỏi, 48 ca hiệu quả rõ, 50 ca có hiệu quả, 6 ca không có hiệu quả, tổng hiệu suất đạt 95.08%.

24 ca nhóm 2 có 12 ca trị khỏi, 6 ca hiệu quả rõ, 4 ca có hiệu quả, 2 ca không hiệu quả, tổng hiệu suất đạt 91.67%.

8 ca nhóm 3 có 3 ca trị khỏi, 3 ca hiệu quả rõ, 1 ca có hiệu quả, 1 ca không hiệu quả, tổng hiệu suất đạt 87.5%.

22 ca nhóm 4 có 16 ca trị khỏi, 6 ca hiệu quả rõ, tổng hiệu suất đạt 100%.

4 ca nhóm 5 toàn bộ trị khỏi, tổng hiệu suất 100%.

8 ca nhóm 6 có 4 ca hiệu quả rõ, 4 ca có hiệu quả, tổng hiệu suất đạt 95.71%.

Biện bệnh theo giai đoạn trị liệu

Cao Viễn Bình (高远平) phân bênh thành 3 thời kỳ.

Thời kỳ đầu dùng phép hóa đàm hoạt huyết, nhuyễn kiên tán kết;

Thời kỳ giữa dùng phép ích khí hoạt huyết, hóa đàm thông lạc;

Thời kỳ sau, dương hư dùng phép ôn bổ phế thận, âm hư dùng phép tư âm ích khí. Nghiên cứu cho thấy phương pháp điều trị này giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống.

Lý Quang Kiệt (李光杰) nghiên cứu trên 160 trường hợp phân thành 3 thời kỳ.

Thời kỳ đầu đa số là thực chứng, dùng thuốc thanh nhiệt giải độc, lương huyết hoạt huyết, tư âm giáng hỏa điều trị;

Thời kỳ giữa hư thực thác tạp, dùng thuốc tuyên phế giáng khí, bình suyễn khai bế, hành khí thong lạc, tả hỏa giải độc, tư âm nhuận phế làm chủ, phối hợp thuốc hoạt huyết, hóa đàm, thông lạc điều trị;

Thời kỳ sau đa số là hư chứng, dùng thuốc bổ ích phế thận làm chủ.

Bài thuốc kinh nghiệm:

Bài 1: Phương kinh nghiệm của Hoàng Tuyết Phương (黄雪芳):

Trường hợp Phế khí hư hàn, dương khí bất túc: phép trị ôn phế hóa đàm, ích khí chỉ khái. Phương dùng Ma hoàng phụ tử tế tân thang gia vị: Ma hoàng 10g, Phụ tử 6g, Tế tân 3g, Quế chi 10g, Hậu phác 8g, Bán hạ 10g, Hạnh nhân 10g, Ngũ vị tử 10g, Can khương 5g, Tử uyển 10g, Khoản đông hoa 10g, Chích thảo 5g. Trường hợp Vệ khí bất cố, cảm thụ ngoại tà, tỵ khiếu bất thông: phép trị ôn phế ích khí, tán hàn thông khiếu, chỉ khái suyễn. Chọn dùng Tiểu thanh long thang gia vị: Ma hoàng 6g, Quế chi 6g, Tế tân 3g, Ngũ vị tử 10g, Can khương 6g, Bán hạ 10g, Bạch thược 10g, Chích thảo 5g, Tân di 10g, Thuyền thoái 10g, Kinh giới 10g, Hoàng kỳ 30g, Đẳng sâm 20g.

Bài 2: Điều trị bụi phổi theo đông y là nhuận phế, sinh tân

Giú tăng khả năng đào thải của phổi, giúp cho bụi có thể theo đờm mà thoát dần ra.

Bài thuốc:

Bạch hợp cố kim thang Sinh địa hoàng 6 Mạch đông 5 Sao bạch thược 3
Bối mẫu 3 Huyền sâm 3 Thục địa hoàng 9 Bạch hợp 3
Đương quy 3 Sinh cam thảo 3 Cát cánh 3

Sắc uống ngày 1 thang.

Mạch môn đông thang Mạch môn đông 60 Nhân sâm 6 Nghạnh mễ 6
Bán hạ 9 Cam thảo 4 Đại táo 3q

Sắc uống ngày 1 thang

Điều trị Bệnh bụi phổi theo tây y

Điều trị nội khoa

- Điều trị bội nhiễm kể cả lao phổi

- Điều trị các biến chứng nếu có (ho ra máu do Silicome)

Khi có đợt cấp của viêm phế quản mạn tính phải dùng kháng sinh.

Nếu có bội nhiễm lao phổi thì phải dùng các thuốc kháng lao như rifampicin; pyrazynamid, ethambutol, rimifon (trước khi dùng thuốc lao nhất là dùng công thức có rifampicin bắt buộc phải thử transaminase xem có bình thường không).

Thường biến chứng của bệnh bụi phổi -silic là gây viêm mũi họng, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng. Đôi khi có tràn khí màng phổi hoặc suy hô hấp mạn tính, chính vì để tránh hậu quả gây suy hô hấp mạn tính phải tích cực điều trị các biến chứng kèm theo.

Bài đọc thêm về bệnh bụi phổi

Tại các khu sản xuất vật liệu xây dựng nhiều công nhân mắc các bệnh về phổi, trong đó bệnh phổi Silic và bệnh phổi bông là phổ biến. Một trong những thủ phạm gây ra các bệnh về phổi chính là bụi.

Có nhiều loại bụi rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người, gây ngộ độc từ từ khó phát hiện dẫn đến phát sinh nhiều bệnh nghề nghiệp trầm trọng. Đối tượng có nguy cơ cao là những công nhân đang làm việc trong môi trường: sản xuất gạch, gốm sứ thủy tinh, khai thác than, đá, sản xuất bột đánh bóng, các sản phẩm cao su có sử dụng bột Talc làm chất chống dính hay trong các nhà máy xi-măng, đúc thép… Người lao động hít bụi khói lâu dần vào phổi sẽ sinh bệnh, mức độ tùy thuộc vào tính chất và kích thước của bụi. Chúng ta nên biết, dưới dạng khói là vô số những hạt bụi. Với loại hạt có đường kính nhỏ hơn 0,1 micromet khi hít vào ít bị giữ lại ở phổi, nhưng nếu hít phải những hạt bụi có kích thước lớn hơn 0,1 -10 micromet, bụi sẽ lắng động sâu trong phổi, lâu dần ảnh hưởng đến phế quản và tiểu phế quản. Những hạt bụi mà đường kính lớn hơn 10 micromet sẽ gây viêm đường hô hấp trên, đặc biệt ở mũi họng, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ viêm mũi dị ứng. Về tính chất, nguy hiểm hàng đầu của bệnh bụi phổi là bụi Silic; bụi Arsen, chì, Man-gan gây ngộ độc (chủ yếu ở da, tóc, móng); bụi A-mi-ăng có chứa tác nhân gây ung thư; bụi xi măng gây kích ứng tại chỗ; bụi bông, vải, sợi gây kích ứng hô hấp, còn bụi phổi silic làm cho phổi bị xơ hóa lan tỏa, không hồi phục với những triệu chứng: khó thở, tức ngực, bệnh được phát hiện chủ yếu bằng X-quang.

Bệnh bụi phổi gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phế quản mạn, nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi, những biến chứng này tăng lên khi thời gian tiếp xúc dài, nồng độ bụi càng cao, tỉ lệ Dioxid Silic tự do trong không khí càng nhiều thì bệnh càng nặng.

Ngày nay, khoa học tiến bộ đã hạn chế phần lớn sự lan tỏa bụi sản xuất ra ngoài không khí như: sử dụng hệ thống lọc bụi, điều khiển từ xa hay hệ thống khử bụi tĩnh điện trong các nhà máy xi-măng. Một số khu công nghiệp thay đổi quy trình công nghệ như làm ẩm, phun nước, che chắn hay bao kín những nơi sản xuất sinh bụi, sử dụng các vật liệu chứa ít Dioxid Silic tự do.

Để phát hiện sớm bệnh bụi phổi, người lao động ở môi trường có nguy cơ cao nên thực hiện đúng chế độ khám định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế. Người mắc bệnh bụi phổi phải được bố trí làm công việc khác hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bụi; không sử dụng những người bị bệnh về đường hô hấp trên, viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi làm việc ở nơi có bụi. Ngoài ra, người lao động phải tuân thủ những quy định về bảo hộ cá nhân tại nơi làm việc, hạn chế ăn uống tại nơi sản xuất có bụi, nên tiếp xúc thường xuyên với không khí trong lành.

 

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích. Hãy chia sẻ để tạo phúc cho mình và giúp đỡ mọi người.

Tư vấn sức khỏe trực tuyến Tư vấn sức khỏe trực tuyến Chia sẻ facebook Tư vấn sức khỏe trực tuyến


Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.com chỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.
. Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH
Tư vấn sức khỏe trực tuyến  Tư vấn sức khỏe trực tuyến   Đầu trang