Tên thường gọi: Sầu đâu.
Tên khoa học: Azadirachta indica Juss f.
Họ khoa học: thuộc họ Xoan - Meliaceae.
(Mô tả, hình ảnh cây Sầu đậu, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)
Cây gỗ cao 10-15m. Lá mọc so le, dài 20-30cm, một lần kép gồm 6-15 đôi lá chét mọc đối, nhẵn, hình ngọn giáo với gốc không cân đối, mép có răng tù. Chuỳ hoa ở nách lá và ngắn hơn lá, gồm nhiều xim nhỏ. Hoa thơm, màu trắng, cao 5-6mm; dài có lông, nhị 10, đầu nhuỵ phình lên với 3 gai và một vòng lông. Quả hạch màu đỏ, dài 2cm, có một vỏ cứng dễ vỡ và một hạt hoá gỗ; thịt quả khi chín màu đen.
Vỏ thân, vỏ rễ, lá, hoa, quả, hạt và gôm Cortex, Cortex Radicis, Folium, Flos, Fructus, Semen et Gummis Azadirachtae Indicae.
Cây của phân vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang và cũng thường được trồng. Gỗ ít bị sâu bệnh vì rất đắng. Thu hái các bộ phận cây quanh năm. Vào tháng 2-3, có lá non và hoa.
Tất cả các bộ phận của cây chứa một chất dầu đắng và acid margosic. Hạt chứa tới 4,5% dầu, dầu này chứa các chất đắng nimbin, nimbinin và nimbidin; nimbidin là hoạt chất chứa sulfur. Cụm hoa chứa một glucosid nimbosterin (0,005%) và 0,5% tinh dầu, nimbosterol, nimbecetin và acid béo. Hoa chứa một chất đắng, một chất dầu kích thích đắng. Quả chứa một chất đắng bakayamin. Vỏ thân chứa 0,04% nimbin, 0,001% nimbinin và 0,4% nimbidin, 0,02% tinh dầu. Rễ cũng chứa chất đắng. Trong phân tử của chất đắng nimbin, có một acetoxy, một lacton, một ester, một methoxy và một nhóm aldehyd.
(Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng ....)
Các bộ phận của cây (lá, hoa, vỏ) đều có vị đắng, tính mát. Vỏ có tác dụng bổ đắng, làm săn da, hạ sốt, trừ sốt rét. Vỏ rễ và quả non cũng có tác dụng bổ, hạ sốt, gây chuyển hoá. Lá làm tan sưng, tiêu độc, sát trùng; nước sắc lá cũng có tác dụng kháng sinh sát trùng. Hoa khô có tác dụng bổ, lợi tiêu hoá, lọc máu. Quả xổ, làm dịu và trừ giun; hạt cũng sát trùng. Dầu hạt kích thích, kháng sinh và gây chuyển hoá.
Vỏ được dùng trị sốt rét, sốt rét vàng da; vỏ rễ cũng được dùng trị sốt rét nhưng hiệu quả không cao. Lá được dùng trị đụng giập và bong gân, trị đau các cơ, trị đinh nhọt, loét và eczema. Dầu hạt dùng trị giun và xoa trị Thấp khớp, vết thương, ghẻ và các bệnh ngoài da. Nước sắc vỏ thân, lá, hoa, thân non dùng rửa vết thương, vết loét. Vỏ, gôm, lá và hạt dầu được dùng trị rắn cắn và bò cạp đốt.
Ðể trị sốt sét cơn, dùng vỏ thân gã giập 10g và 100ml nước, đun còn một nửa. Dùng liều 30-60g đối với người lớn, 10-20g đối với trẻ em. Bột vỏ dùng với liều 0,3-0,6g. Tiện lợi hơn là dùng cồn thuốc 200g vỏ, 500ml rượu 90o, ngâm trong 8 ngày rồi cho thêm nước cất nhiều gấp đôi vào, hằng ngày dùng 1-2 thìa cà phê, trẻ em 1 thìa, liên tục trong một tuần làm thuốc lọc mát. Lá dùng dưới dạng cồn thuốc hay dầu thuốc. Ðể dùng xoa bóp, lấy 100g lá tươi giã giập cho vào 1 lít cồn công nghiệp, hoặc 500ml cồn 90o, ngâm trong 10 ngày. Loại thứ 2, nếu cho thêm nước vào, có thể dùng uống khai vị, mỗi lần 1/2 thìa con.
Ðể xoa bóp đau nhức và trị bệnh ngoài da, dùng 100g lá ngâm vào 100g cồn 90o trong 24 giờ, rồi thêm dầu Dừa, chưng cách thuỷ trong 3 giờ, ta được dầu màu xanh lục.
Trị rắn, rết cắn và cá trê đâm: Dùng lá Sầu đâu 1 nắm, đổ vào một chút muối quết cho nhừ, thêm vào chút nước, vắt lấy nước cho bệnh nhân uống, xác đắp trên vết thương, giây lát hết nhức (Kinh nghiệm dân gian ở tỉnh An Giang).
Thaythuoccuaban.com Tổng hợp
*************************
|
|